Người mắc đái tháo đường tăng nguy cơ bị gout, lưu ý quan trọng để kiểm soát bệnh

Người bị đái tháo đường type 2 thì nguy cơ bị gout cao hơn và ngược lại. Gout làm tăng rủi ro bị bệnh đái tháo đường. Hay nói cách khác, đái tháo đường là bệnh lý đồng mắc phổ biến của gout.

Việc tăng acid uric máu đã chứng minh là làm tăng nguy cơ đái tháo đường và ngược lại.

Ngoài ra, tăng acid uric cũng thúc đẩy các biến chứng của đái tháo đường như tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, biến chứng thận, võng mạc và thần kinh ngoại biên.

Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần quan tâm đến bệnh gout, tăng acid uric.

Mối quan hệ giữa bệnh gout và đái tháo đường

Người đái đường type 2 thường có nồng độ acid uric trong máu cao. Ngược lại, người bị gout và có nồng độ acid uric trong máu cao thường dễ bị đái tháo đường. Tuy nhiên, không phải người nào có nồng độ acid uric trong máu cao cũng bị gout, nhưng nếu acid uric tiếp tục tăng cao thì nguy cơ bị gout sẽ cao.

Đái tháo đường type 2 là do cơ thể không sử dụng được insulin hiệu quả và đường ứ lại trong máu cao thay vì di chuyển vào các tế bào. Trường hợp này gọi là đề kháng insulin. Nghiên cứu cho thấy, đề kháng insulin có vai trò dẫn đến bệnh gout còn tăng acid uric trong máu lại làm tình trạng đề kháng insulin nặng hơn.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau khi kiểm tra hàng nghìn người tham gia và con cái của họ cho thấy kết quả người có nồng độ acid uric trong máu cao thì nguy cơ đái tháo đường cũng cao.

Các nhà nghiên cứu cũng đã đồng thuận rằng có sự liên quan giữa bệnh gout và đái tháo đường rõ rệt hơn ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu cho biết, phụ nữ bị gout có 71% nguy cơ bị đái tháo đường so với người bình thường.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác như: Béo phì chiếm 90% ca bệnh đái tháo đường type 2 xảy ra ở người quá cân hoặc béo phì. Người béo phì có nguy cơ bị gout cao gấp 4 lần so với người có thể trạng trung bình. Cân nặng thừa làm thận giảm khả năng thải acid uric.

Khoảng 80% người đái tháo đường type 2 bị cao huyết áp. Tình trạng này dẫn đến tăng acid uric và đề kháng insulin. Ngoài ra, gout và đái tháo đường cũng gây biến chứng ở thận và tim mạch.

Bệnh gout/ tăng acid uric là gì, biểu hiện ra sao?

Khi acid uric máu tăng cao lâu ngày, ở điều kiện thích hợp sẽ kết tinh thành các phân tử muối urate và lắng đọng ở các khớp hoặc các vị trí khác trong cơ thể, dẫn tới tình trạng viêm mạn tính, gây sưng, nóng, tấy đỏ và đau nhức… gây ra gout.

  • Tăng acid uric là tình trạng acid uric trong máu tăng cao >7mg/dL ở nam và >6mg/dL ở nữ. Người bị tăng acid uric máu đơn thuần có thể không có triệu chứng.
  • Cơn gout cấp tính: Đau dữ dội, sưng đỏ nhiều, thường gặp ở khớp mắt cá, bàn ngón chân, cũng có thể gặp ở chi trên hoặc xuất hiện nhiều khớp, kéo dài từ vài ngày đến 1 tuần.

– Gout mạn tính: Biểu hiện bằng hạt tophi ở quanh các khớp hoặc tình trạng viêm đa khớp, mức độ viêm nhẹ hơn hơn cơn gout cấp tính.

Ngoài ra, các tinh thể muối urate cũng có thể lắng đọng ở thận gây sỏi thận, ở gân, da, móng tay, màng ngoài tim… gây bệnh ở những cơ quan này.

Để điều trị tốt bệnh gout kèm đái tháo đường, cần làm gì?

– Kiểm soát cân nặng, chỉ số mỡ cơ thể.

– Kiểm soát đường máu ở mức mục tiêu, dự phòng hạ đường huyết và cơn tăng đường máu cấp.

  • Đường máu đói: 4,4 – 7,2 mg/dL
  • Đường sau ăn 2h: <10 mg/dL
  • HbAlc: <7% (cần được cá nhân hóa)

– Kiểm soát nồng độ acid uric máu, dự phòng các đợt bùng phát:

  • <6mg/dL cho bệnh nhân tăng acid uric máu
  • <5mg/dL với bệnh nhân có tinh thể urate lắng động trong các mô hoặc bệnh thận mạn.

– Kiểm soát các đợt cấp tính: Kiểm soát bùng phát cơn gout cấp/mạn, nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.

– Kiểm soát các bệnh kèm và biến chứng: Tăng huyết áp, rối loạn lipid, bệnh mạch vành, bệnh thận mạn, suy tim, đột quỵ…

  • Huyết áp: < 140/90 mmHg, hoặc <130/80 mmHg đối với bệnh thận hoặc trẻ tuổi
  • Tryglycerid: <1,7mg/dL
  • LDL – cholesterol: <2,6 mg/dL hoặc <1,8 mg/dL đối với người đã biết bệnh tim mạch
  • HDL – cholesterol: >1,1 mg/dL đối với nam hoặc 1,3 mg/dL với nữ

Người mắc bệnh gout và đái tháo đường nên ăn uống như thế nào?

– Duy trì mức năng lượng hợp lý theo tuổi, giới và mức độ hoạt động. Đối với bệnh nhân thừa cân, béo phì phải có quá trình giảm năng lượng phù hợp với các giai đoạn giảm cân.

– Tỷ lệ chất sinh năng lượng:

  • Chất đường bột: 55 – 60% tổng năng lượng. Ưu tiên chọn nhóm thức ăn chỉ số đường máu trung bình và thấp. Tránh các loại đường đơn, đường bổ sung, siro ngô có hàm lượng fructose cao.
  • Chất đạm: 15 – 20% tổng năng lượng. Ưu tiên chọn nhóm thức ăn có hàm lượng purine thấp (<150mg/100g thực phẩm).
  • Chất béo: 20 – 25% tổng năng lượng. Trong đó 2/3 là acid béo không no. Ưu tiên chọn các nhóm dầu thực vật, dầu cá, tránh các loại thực phẩm chứa nhiều mỡ động vật, chất béo trans.

– Các chất không sinh năng lượng:

  • Tăng cường chất xơ từ rau và trái cây tươi.
  • Tăng cường vitamin và khoáng chất: vitamin nhóm B, vitamin nhóm C…

– Uống nhiều nước, đảm bảo 40ml/kg cân nặng/ ngày. Đối với người bị suy tim, suy thận thì cần hỏi ý kiến bác sĩ về lượng nước mỗi ngày.

Nguồn: Sức khoẻ đời sống

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 9012
Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay